Nhìn lại diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian vừa qua, theo ông, đâu là “vấn đề nóng” nổi cộm?
Theo tôi, đó là hai vấn đề về dòng tiền và tâm lý thị trường. Thứ nhất là nguồn vốn luân chuyển trong thị trường bất động sản bị tắc nghẽn, xuất phát từ nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra ở thị trường vốn trong nước như giới hạn room tín dụng cho bất động sản và siết điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng từ giữa năm 2022 trở đi, sau những biến động liên quan đến một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong nước. Cộng với yếu tố bên ngoài không thể lường trước là lạm phát, lãi suất và suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bất động sản “trở tay không kịp” trong việc xoay sở dòng tiền ngắn hạn để trả nợ trái phiếu và đảm bảo tiến độ xây dựng. Tác động vĩ mô cùng lúc đó cũng khiến người mua nhà và nhà đầu tư chới với khi lãi suất tăng cao, buộc họ phải chấp nhận trả lãi tín dụng cao hoặc bán lại tài sản với mức giá không như kỳ vọng.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của “vấn đề nóng” này đối với thị trường?
Tác động của hai vấn đề nói trên dự kiến còn kéo dài đến ít nhất quý 3 năm nay vì các vướng mắc về nguồn cung, giá bán và thanh khoản không thể giải quyết một sớm một chiều.
Khi doanh nghiệp không thể tiếp cận các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng), dòng tiền bị “đóng băng” ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng, bàn giao dự án, và nguồn cung toàn thị trường nói chung. Theo số liệu Bộ Xây dựng, số lượng dự án nhà ở thương mại triển khai trên cả nước giảm từ 1.148 dự án vào quý III/2022 xuống còn 466 dự án vào quý I cùng năm – giảm gần 60% chỉ trong 3 tháng.
Ngoài ra, các chu kỳ biến động mà thị trường trải qua chưa nhiều, dẫn đến kinh nghiệm điều hành vẫn cần phải được quan sát, học hỏi và điều chỉnh. Một yếu tố không thể không kể đến là tiềm năng tăng giá, vì thị trường mới nổi sẽ có tốc độ tăng trưởng và sức hấp thụ cao hơn so với các thị trường tiên tiến.