Vì Đâu Thị Trường Khó Khăn?
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang đối mặt một nghịch lý lớn là lực cầu của thị trường rất mạnh nhưng tình hình giao dịch lại chững từ nhiều tháng nay. Sự suy thoái của thị trường bất động sản đang gây ra những hệ lụy lớn với gần 40 ngành nghề liên đới như các ngành vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, máy móc, logistics, hàng hoá tiêu dùng phục vụ nhà ở… Thực trạng này tác động tiêu cực đến bức tranh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã chỉ ra các nguyên nhân khiến thị trường giai đoạn này ảm đạm. Điểm nghẽn thứ nhất của thị trường là vấn đề pháp lý khi sự chồng chéo của các Bộ luật và việc thắt chặt vấn đề pháp lý dự án khiến khoảng khoảng 70% doanh nghiệp hiện nay đang bị vướng vào các vấn đề về pháp lý, khiến nguồn cung của thị trường sụt giảm mạnh, nhiều dự án đình trệ.
Điểm nghẽn thứ 2 là dòng tiền cho các doanh nghiệp phát triển. Thực trạng nguồn vốn tín dụng bị kiểm soát, cùng với đó các kênh tạo vốn cho doanh nghiệp như trái phiếu cũng đang trục trặc khiến các doanh nghiệp đói vốn, còn người dân có nhu cầu mua ở không tiếp cận được các gói tài chính.
Điểm nghẽn thứ 3 là sự mất cân đối và bất hợp lý của cơ cấu sản phẩm khi nguồn hàng cao cấp áp đảo trên thị trường, trong khi đó nguồn nhà giá rẻ, nhà ở xã hội gần như biến mất.
Điểm nghẽn thứ 4 là thị trường còn chưa minh bạch, bị làm giá, đẩy ảo do hệ thống thông tin trên thị trường chưa đa dạng, thích hợp.
Điểm nghẽn thứ 5 là niềm tin của các nhà đầu tư, của khách hàng mua ở đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến thanh khoản thị trường suy yếu.
Thị Trường Sẽ Khởi Sắc Năm 2023
Không khó nhận ra, trong những điểm nghẽn ông Đính nêu thì vấn đề về nguồn vốn là vấn đề khó khăn, thách thức nhất mà thị trường bất động sản đang phải đối mặt. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết nút thắt này sẽ từng bước được gỡ trong tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Cụ thể, mới đây, theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, Chính phủ đã thành lập tổ công tác nhằm rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc. Bên cạnh đó, Chính phủ lại có Công điện 1164/CĐ-TTg để đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định 1435 trước đó, trong đó đề cập việc các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chưa dừng lại đó, nhiều công điện được gửi đến các bộ ngành như Bộ Tài chính để yêu cầu xem xét các vấn đề đang tạo điểm nghẽn cho thị trường, cho doanh nghiệp như tín dụng, phát hành trái phiếu… Với các động thái trên, ông Đính cho rằng sẽ giúp cho thị trường bất động sản khởi sắc trở lại và sẽ có sự phát triển ổn định, thay vì thực trạng tăng nóng như trước đó.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Kim Chung cũng đưa ra những chỉ dấu tích cực về nguồn vốn của thị trường bất động sản. Theo đó, sau năm 2022 kiểm soát tín dụng, thì tín dụng năm 2023 sẽ dồi dào hơn năm nay, nguyên nhân là bởi quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Bên cạnh đó, nguồn tiền từ thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng trở lại. Trong trường hợp chứng khoán tăng lên mức 1.300 – 1.400 sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản. Ngoài ra, thị trường trái phiếu đang dần phục hồi, đây tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và thị trường bất động sản. Với những chỉ dấu tích cực này, Tiến sĩ Trần Kim Chung cũng bày tỏ sự lạc quan về một bức tranh sáng của thị trường trong năm 2023.
Nguồn: Batdongsan.com